Nhà máy thép Tế Nam bị đóng cửa hồi tháng 7-2017. Ảnh: ImagineChina/ Bloomberg
Cắt mà không giảm
Lưu Tiểu Bình (Liu Xiaoping), chủ một doanh nghiệp nhỏ ở Tế Nam (Jinan) - một trung tâm luyện thép rộng lớn luôn bị bao phủ trong lớp khói mù ở Đông Bắc Trung Quốc - là một trong những người bị thiệt hại vì chính sách mới. Đứng trong một ngõ phố nơi các nhà xưởng đều đã đóng cửa, ông Lưu nói rằng quan chức chính phủ đã phớt lờ lời cầu xin cho ông thêm thời gian để thực hiện quy định đóng cửa xưởng đúc nhựa đã 20 năm tuổi của mình. Khi chính quyền đe dọa cắt điện cắt nước, ông Lưu phải vội đóng cửa xưởng. “Giống như bị dao chém”, ông Lưu than thở và nói rằng việc đóng cửa xưởng hồi giữa tháng 9-2017 để lại cho ông một đống thiết bị trị giá 1 triệu nhân dân tệ (NDT) và 10 người thợ không có việc làm giữa một thành phố có tới 7.000 doanh nghiệp phải ngừng hoạt động vì bị cho là “lộn xộn và ô nhiễm” cần được làm sạch hoặc đóng cửa. “Chúng tôi không biết phải làm gì nữa”, ông Lưu nói thêm.
Tuy nhiên, tác động của nỗ lực cắt giảm sản lượng công nghiệp tỏ ra là một con dao hai lưỡi - có những doanh nghiệp bị xóa sổ và thiệt hại như của ông Lưu nhưng tại nhiều doanh nghiệp khác lợi nhuận lại tăng vọt và sự phục hồi đang diễn ra, làm sống lại những công ty vốn nợ nần đầm đìa. Dựa trên báo cáo sơ bộ của hơn 3.000 doanh nghiệp, Sách trắng Trung Quốc ghi nhận nhiều nhà máy thép vẫn tăng sản lượng, các nhà máy còn hoạt động đã tăng ca làm việc trước khi cắt giảm tạm thời vào mùa đông và tận dụng cơ hội giá thép đang cao. Theo hãng tin Bloomberg, ngay cả trước khi các doanh nghiệp gây ô nhiễm bị buộc phải đóng cửa, nỗ lực cắt giảm năng lực sản xuất công nghiệp dư thừa ở Trung Quốc đã vượt quá kỳ vọng của nhiều nhà phân tích và điều đó kích hoạt một cuộc tăng giá trên toàn cầu các mặt hàng kim loại, lợi nhuận của các nhà máy Trung Quốc tăng mạnh, cũng như làn sóng đổ xô mua cổ phiếu thương phẩm (commodity stock).
Số liệu thống kê quí 3-2017 sẽ được công bố vào cuối tuần này nhưng theo các nhà phân tích của Bloomberg, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn tăng mạnh, dự kiến đạt 6,8%/năm trong quí 3. Còn theo lời ông Chu Tiểu Xuyên (Zhou Xiaochan), Thống đốc Ngân hàng trung ương Trung Quốc, phát biểu tại Washington (Mỹ) hôm Chủ nhật, ông hy vọng mức tăng trưởng của Trung Quốc nửa cuối năm nay có thể đạt 7%/năm vì cuộc chuyển dịch nền kinh tế từ đầu tư và xuất khẩu sang tiêu thụ nội địa sẽ tạo ra mức tăng trưởng lớn.
Theo Bloomberg, đà phục hồi của Trung Quốc vẫn đang tiếp tục với chỉ số giá của nhà sản xuất trong tháng 9 tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, công cuộc tái cơ cấu ngành công nghiệp có thể sẽ gây ra một số hiệu ứng phụ: tốc độ phát triển công nghiệp sẽ giảm xuống mức 6,4% trong năm tới và 6,1% năm 2019.
Khó khăn còn đó
Hiện việc cắt giảm năng lực sản xuất đang lan tỏa khắp cả nước, các quan chức dự tính sẽ có hàng trăm ngàn doanh nghiệp nhỏ bị đóng cửa. Doanh nghiệp nhà nước cũng không ngoại lệ dù các nhà hoạch định chính sách tìm cách làm giảm nhẹ tác động của những vụ cắt giảm đó.
Nhà máy thép Tế Nam - chi nhánh của tập đoàn sắt thép Sơn Đông, có khoảng 20.000 công nhân - là một trong những nhà máy quốc doanh bị đóng cửa hồi tháng 7. Thủ tướng Lý Khắc Cường đến thăm nhà máy hồi tháng 4 và nói với công nhân rằng, việc đóng cửa sẽ gây khó khăn nhưng nhà nước bảo đảm họ không bị đuổi việc mà sẽ được bố trí công việc mới. Hiện nay nhiều công nhân của Tế Nam được đi làm việc tại một nhà máy khác của tập đoàn ở thị trấn Nhật Chiếu (Rizhao), cách đó khoảng 4 giờ ô tô.
Ở huyện Chu Bình (Zhouping), cách thành phố Tế Nam khoảng hai giờ ô tô, tập đoàn tư nhân Hồng Kiều Trung Quốc (China Hongqiao Group) - nhà máy luyện nhôm lớn nhất Trung Quốc - cũng cho biết họ sẽ giảm năng lực sản xuất hàng năm khoảng 2,68 triệu tấn, tương đương 29% tổng sản lượng. Phát ngôn viên công ty trả lời Bloomberg rằng công ty không sa thải công nhân, ép về hưu non hoặc nghỉ không hưởng lương.
Morgan Stanley dự báo mức cắt giảm năng lực sản xuất thép của Trung Quốc trong hai năm 2016-2017 vào khoảng 200 triệu tấn, nhiều hơn tổng sản lượng thép của Nhật Bản (130,5 triệu tấn) hoặc gần bằng tổng sản lượng thép của cả châu Âu (222 triệu tấn). Hồi tháng 7-2017, Bộ Bảo vệ Môi trường Trung Quốc cho biết có tới 176.000 doanh nghiệp ở Bắc Kinh, Thiên Tân và Hà Bắc phải đóng cửa trước cuối tháng 9 để làm sạch bầu không khí thủ đô cho Đại hội Đảng vào giữa tháng 10.
Biện pháp đóng cửa tạm thời này có thể làm kinh tế Trung Quốc giảm đi 0,25 điểm phần trăm trong sáu tháng cuối năm, theo dự báo của Ngân hàng Societe Generale SA. Chuyên gia Frederic Neumann, đồng phụ trách nhóm nghiên cứu kinh tế châu Á của Ngân hàng HSBC tại Hồng Kông cho rằng, “Trong ngắn hạn, những quy định môi trường nghiêm khắc hơn sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng. Nhưng việc sắp xếp lại giới lãnh đạo sắp tới mở ra cơ hội xem xét lại các chương trình chính sách trung hạn, dẫn tới việc tập trung nhiều hơn tới môi trường và quản lý các rủi ro tiềm ẩn trong lĩnh vực tài chính”.
Sơn Đông nằm trong số các địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất, người dân bị mất việc hoặc giảm lương, đối mặt với nỗi bất an về tương lai.
Thị trấn Hồ Sơn ở huyện Chu Bình là một trung tâm tái chế cao su mà chính quyền đã đóng cửa hồi tháng trước. Ở nhiều xưởng đã ngưng hoạt động, những chiếc vỏ xe đã qua sử dụng chất cao bằng ngôi nhà hai tầng. Vài người hy vọng xưởng tái chế của họ sẽ được mở cửa trở lại sau khi đợt kiểm tra môi trường kết thúc. Gia đình 6 người của ông Lưu Khánh Dũng (Liu Qingyong) mỗi tháng kiếm được 6.000 NDT nhờ tái chế vỏ xe cũ nhưng giờ đây họ không làm ra được đồng nào. “Việc đóng cửa chỉ là tạm thời, sớm hay muộn mọi sự sẽ bắt đầu trở lại”, ông Lưu nói.
Tại tiệm tạp hóa của bà Lưu Thư Hoa (Liu Shuhua) trên một góc phố yên tĩnh bên ngoài thị trấn, những thùng thuốc lá, rượu bia và mì gói cũng chất đống. Tiệm là nơi các công nhân nhập cư thường tới mua sắm, nhưng bà Lưu cho biết, việc buôn bán đã giảm hơn một nửa và bà tin rằng, tình hình sẽ không khá lên được. “Không thể nói rằng tôi không lo lắng. Có ít nhất một nửa dân số của thị trấn bị ảnh hưởng bởi các vụ đóng cửa nhà máy”, bà Lưu nói.
Ưu tiên hàng đầu
Đối với giới lãnh đạo Trung Quốc, việc làm sạch bầu trời u ám và những dòng sông bẩn thỉu đã trở thành ưu tiên hàng đầu. Không giống các nhà lãnh đạo tiền nhiệm cố gắng đạt tăng trưởng bằng mọi giá, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Xi Jinping) và Thủ tướng Lý Khắc Cường (Li Keqiang) tuyên chiến mạnh với nạn ô nhiễm, bị thôi thúc bởi sự phẫn nộ của người dân phải sống trong lớp khói mù đôi khi độc hại gấp 50 lần so với mức an toàn mà Tổ chức Y tế thế giới quy định. Ý chí chính trị về làm sạch môi trường sống đã hội tụ với nhu cầu kinh tế phải cắt giảm năng lực sản xuất dư thừa trong các ngành sắt thép, nhôm và các vật liệu cơ bản khác sau nhiều năm đầu tư quá nóng. Bằng cách nào và khi nào việc giảm sản lượng dư thừa được hoàn thành sẽ là yếu tố chính trong hoạt động kinh tế của nước này sau năm 2017.
“Lần cuối cùng chúng tôi chứng kiến nỗ lực cắt giảm năng lực sản xuất là vào cuối thế kỷ trước, khi thủ tướng lúc ấy là ông Chu Dung Cơ (Zhu Rongji) quyết định xóa sổ các doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ”, ông Tào Đông (Tao Dong), Phó chủ tịch phụ trách Trung Quốc của Ngân hàng Credit Suisse tại Hồng Kông, cho biết. “Sẽ có những tác động ngắn hạn tới tăng trưởng và việc làm nhưng vào lúc này rất khó để lượng hóa, tất cả tùy thuộc vào chuyện phần năng lực sản xuất dư thừa đó có tiếp tục bị xóa bỏ sau Đại hội Đảng hay không”, ông Tào nhận định.
“Nếu ông Tập muốn duy trì sự ủng hộ của tầng lớp trung lưu Trung Quốc, ông ấy cần tập trung vào vấn đề chất lượng sống. Luật lệ về môi trường sẽ tiếp tục được thi hành mạnh mẽ hơn, đặc biệt là ở vùng Đông Bắc Trung Quốc. Tôi cho rằng nó sẽ có tác động đến tăng trưởng kinh tế trong năm tới”, ông David Loevinger, cựu chuyên gia về Trung Quốc của bộ Tài chính Mỹ, nhận định. Tuy nhiên, chưa ai biết được chính sách dài hạn về công nghiệp và môi trường của quốc gia đông dân nhất thế giới sẽ được xác định ra sao.